Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ (Tái Bản 2016)
Hết hàng: Hết hàng
Thông số sản phẩm
Kích thước | 12 x 20 cm |
Tác giả | Nguyễn Nhật Ánh |
Nhà xuất bản | Trẻ |
Năm xuất bản | 2016 |
Đơn vị phát hành | NXB Trẻ |
Loại bìa | Bìa mềm |
Số trang | 218 (trang) |
Ngôn ngữ | Tiếng Việt |
Thông tin sản phẩm
Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ (Tái Bản 2016)
Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ ít nhiều đã khắc họa trọn vẹn một thế giới ngây thơ, trong sáng và cũng không kém phần u sầu, nổi loạn. Chúng cho rằng: học bài là lêu lổng; chạy nhảy, trèo cây, tắm sông, đánh lộn mới là con ngoan; với chúng 2 lần 4 là mấy cũng được nhưng không phải là 8…
Đó cũng có thể là mong muốn đặt tên cho thế giới, cu Mùi và 3 đứa trẻ khác đã dùng trí tưởng tượng biến cái gối thành búp bê, con chó thành bàn ủi, biến cái nón thành cuốn tập, gọi cái đầu là cái chân và thằng bạn thân là Thầy hiệu trưởng… và đằng sau cái trò chơi kì quặc ấy của bọn trẻ là: “…Muốn thay đổi một cách gọi, thậm chí nếu được thì đặt tên lại cho cả thế giới, chỉ với một mục đích hết sức tốt đẹp là làm cho thế giới mới mẻ, tinh khôi như được sinh ra lần nữa…”
Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ đã khéo léo đan cài giữa suy nghĩ trẻ thơ với suy nghĩ của người lớn: “…Người lớn cũng rất thích chơi trò này, tất nhiên với một mục đích hoàn toàn khác… gọi hối lộ là tặng quà trên mức tình cảm, gọi những hành vi sai trái là thiếu tinh thần trách nhiệm, gọi tham ô là thất thoát gây hậu quả nghiêm trọng… Mục đích của sự đánh tráo khái niệm này là đẩy vô chỗ mù mờ những gì đang vô cùng sáng rõ… và minh bạch đến mức dù muốn cũng không ai có thể hiểu khác đi…”. Nếu vậy thì xem ra trẻ con ngây thơ và trong sáng hơn nhiều.
Xuyên suốt tác phẩm Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ là những trò nghịch ngợm, những suy nghĩ rất đỗi hồn nhiên, trong trẻo của những đứa trẻ mà người lớn thường cho là “trò trẻ con”. Nhưng qua đó, để những độc giả đang làm cha mẹ phải ngỡ ngàng nhận ra rằng: đôi khi mình đã sai khi tự cho bản thân cái quyền phán xét con trẻ. Có ý kiến độc giả cho rằng những đứa trẻ trong truyện đã mở cả một phiên tòa phán xét người lớn. Phiên tòa ấy phản ánh rất thật, rất đúng nguyện vọng chính đáng của tuổi thơ: đó là sự công bằng.
Trong Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ, nhà văn tặng mỗi người đọc một tấm vé để lên chuyến tàu đặc biệt, để mỗi người “…Có thể trở về thăm tuổi thơ ấu của mình bất cứ lúc nào, hay nói khác đi lúc mà bạn nhận ra rằng thỉnh thoảng tắm mình trong dòng sông trong trẻo của tuổi thơ sẽ giúp bạn gột rửa những bụi bặm của thế giới người lớn một cách kỳ diệu.”
Cuốn sách chính là tấm vé trở về tuổi thơ của bạn, và dĩ nhiên trên con tàu ấy, sẽ không có một ai là người soát vé…!
Mục lục:
Chương 1: Tóm lại là đã hết một ngày
Chương 2: Bố mẹ tuyệt vời
Chương 3: Đặt tên cho thế giới
Chương 4: Buồn ơi là sầu
Chương 5: Khi người ta lớn
Chương 6: Tôi là thằng cu Mùi
Chương 7: Tôi ngoan trong bao lâu
Chương 8: Chúng tôi tôi trở thành lũ giết người như thế nào?
Chương 9: Ai có biết bây giờ là mấy giờ rồi không?
Chương 10: Và tôi đã chìm
Chương 11: Trang trại chó hoang
Chương 12: Cuối cùng là chuyến tàu không có người soát vé
Giới thiệu tác giả
Nguyễn Nhật Ánh là một trong những nhà văn có sách bán chạy nhất của Việt Nam. Sở hữu gần 100 ấn phẩm đã xuất bản, nhà văn bật mí về 3 chất liệu để viết: ký ức, sự quan sát xung quanh và trí tưởng tượng. Ông cho biết cách viết riêng của mình: “Tôi biến hóa những kỷ niệm vào trang viết. Mỗi người trong cuộc đời đều có những vui buồn, sướng khổ. Sống tận cùng đến tất cả những cảm xúc của mình là chất liệu cho nhà văn". Chính vì vậy, Nguyễn Nhật Ánh đã viết về thiếu nhi như một lần lật giở ký ức của chính mình với những dòng văn rất trong sáng, chạm đến trái tim của mọi em nhỏ. Ông là tác giả có 8 tập truyện lọt vào danh sách “100 cuốn sách thanh thiếu niên thành phố nên đọc” do độc giả bình chọn.