Hàn Quốc: Khi hiệu sách không chỉ bán sách

Khởi đầu là không gian cho văn hóa đọc nhưng ngày nay, phần lớn các hiệu sách ở Hàn Quốc đều kiêm nhiệm nhiều thứ như là phòng tranh nghệ thuật, tổ chức các buổi workshop và thậm chí bán cả đồ uống có cồn.

Tuy nhiên, những nỗ lực này đều được đền đáp, ít nhất là với một số trường hợp. 

Hàn Quốc: Khi hiệu sách không chỉ bán sách

Phòng tranh của Trung tâm sách Kyobo treo nhiều tác phẩm nghệ thuật của các họa sĩ trẻ.

 Ảnh:  

Kyobo Bookstore

Giữa trưa, Trung tâm sách Kyobo ở Seoul đông nghẹt người lướt qua các đầu sách mới. Không gian ồn ào kéo dài suốt giờ ăn trưa, trước khi phần lớn những vị khách này trở về các văn phòng ở gần đó.

Nhưng vẫn có những góc tĩnh lặng ở cửa hàng mới được cải tổ này. James Byeon - một nhân viên văn phòng - thường ghé Kyobo Trung tâm sách Kyobo.

"Đôi khi khó có thể kiếm được một chỗ ngồi trong thời gian gần đây" - James Byeon chia sẻ trong khi vẫn mải miết đảo mắt tìm ghế - "Nếu không tìm được, tôi sẽ đi loanh quanh ngắm tranh hoặc uống một tách cà phê trước khi quay lại văn phòng".

Các hiệu sách đã không còn là không gian chỉ để mua sách. Tại đây, khách hàng có thể mua cà phê, nghe nhạc và xem triển lãm nghệ thuật.

Nằm ngay trung tâm Seoul, cửa hàng sách Youngpoong có một phòng sự kiện và một góc ăn nhẹ, nơi mọi người có thể thư giãn dưới ánh sáng đèn LED dịu nhẹ, trong khi Trung tâm Kyobo có một phòng tranh cho mọi người chiêm ngưỡng.

Những thay đổi này là yếu tố giúp các hiệu sách truyền thống có cơ hội đối đầu với các hiệu sách online cũng như sự phổ biến của sách điện tử.

"Chúng tôi thay đổi để mọi người có nhiều lý do hơn đến đây và ở lại lâu hơn với hiệu sách. Hiện nay, chúng tôi có phòng tranh, những chiếc bàn - nơi mọi người có thể ngồi đọc sách và trò chuyện cùng bạn bè. Đây là sự khác biệt mà chúng tôi mang đến cho khách hàng, những thứ mà các hiệu sách online không có" - người đại diện của Trung tâm sách Kyobo phát biểu.

Hàn Quốc: Khi hiệu sách không chỉ bán sách
Kệ sách cho phép khách hàng bày tỏ cảm xúc với các tựa sách yêu thích tại cửa hàng Book by Book. Ảnh: Korea Herald

Không chỉ các chuỗi cửa hàng lớn phải thay đổi để đáp ứng các thách thức của kỷ nguyên số, những tiệm sách nhỏ như The Book Society ở Tongui, Dreaming Pippi ở Jungnang-gu và Book by Book ở Mapo đều đang làm khác đi.

Chẳng hạn, The Book Society bán sách thiết kế và nghệ thuật để thu hút sinh viên cũng như những người làm nghề liên quan tới nghệ thuật. Dreaming Pippi tập trung vào các dòng sách thiếu nhi.

Book by Book thậm chí hấp dẫn khách bằng cách cung cấp nhiều loại đồ uống, trong đó có cả bia và cocktail. Cửa hàng này còn có một kệ sách đặc biệt mang tên In love with this author, khuyến khích mọi người chia sẻ suy nghĩ về các cuốn sách bằng cách viết lên các thẻ có sẵn. Book by Book cũng thường tổ chức các sự kiện như triển lãm, giao lưu với các tác giả được yêu thích.

"Những hoạt động này thực sự khuyến khích mọi người đọc nhiều hơn" - Kim Dae Jun, quản lý Book by Book, cho biết.

Trong khi đó, The Book Society chọn cách tổ chức các buổi chuyên đề, với diễn giả là người nước ngoài, về các chủ đề như thiết kế đồ họa, nhiếp ảnh, kiến trúc. Ngay tuần trước, tại The Book Society có một chuyên đề về thiết kế do nhà thiết kế đồ họa đến từ Đức Ingo Offermanns trình bày.

"Chúng tôi khác biệt vì có những cuốn sách khó có thể tìm được ở các hiệu sách thông thường. Khách hàng còn được tham gia các buổi trò chuyện, học hỏi về những chủ đề yêu thích. Đây là cách chúng tôi đem đến trải nghiệm mới cho khách hàng" - Jung A Ram, quản lý The Book Society, phát biểu.

Hàn Quốc: Khi hiệu sách không chỉ bán sách

The Book Society ở Jongno. Ảnh: The Book Society

Xu hướng sử dụng điện thoại thông minh cũng như các thiết bị di động cầm tay được coi là nguyên nhân khiến con người ngày càng thờ ơ với sách giấy cũng như các hiệu sách truyền thống.

Một cuộc khảo sát thực hiện với 5.000 người trên 19 tuổi ở Hàn Quốc mới đây cho thấy, năm 2015, 65,3% số người đọc một cuốn sách duy nhất. Đây là con số thấp nhất kể từ khi Bộ Văn hóa Hàn Quốc thực hiện cuộc khảo sát này vào năm 1994. Điều này đồng nghĩa với việc có tới 30% số người không đọc quyển sách nào trong 12 tháng qua.

Không bao giờ là quá sớm để gieo mầm tình yêu với những trang sách và các cửa hàng sách thiếu nhi có vai trò quan trọng trong vấn đề này.

"Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra một không gian với nhiều hoạt động tương tác, chẳng hạn như các chuyến đi khám phá thiên nhiên, hay các lớp thảo luận cho trẻ em để trải nghiệm sự thích thú khi đọc sách" - Lee Gae Myoung, người sáng lập Dreaming Pippi, phát biểu.

Viết bình luận

Bạn đã gửi bình luận thành công. Xin cảm ơn!